Kế hoạch KS TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2019

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một điều liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Kế hoạch số 431/KH-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh năm 2019 như sau:
          I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
          1. Mục đích:
          a) Đối với công tác kiểm soát TTHC:
          - Tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.
          - Thực hiện tốt công tác công bố, công khai TTHC theo đúng quy định, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện TTHC, phòng ngừa, hạn chế và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
          - Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC; đảm bảo quyền giám sát việc giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật; tổ chức tiếp nhận và xử lý đúng quy định các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; thực hiện giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà.
- Tuyên truyền hoạt động kiểm soát TTHC để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; củng cố niềm tin, sự đồng thuận của toàn xã hội đối với công tác cải cách TTHC.
          b) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông:
- Triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
- Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
          2. Yêu cầu:
          a) Đối với công tác kiểm soát TTHC:
          - Thực hiện đầy đủ, chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo quy định; trong đó chú trọng, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
          - Phân công công việc hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện; xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm thực hiện, thời hạn thực hiện và dự kiến sản phẩm.
          b) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông:
          Việc triển khai thực hiện bám sát các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, kế hoạch liên quan của UBND tỉnh. Tạo sự đột phá trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, đảm bảo nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong những năm tiếp theo.
          II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
          Các nội dung công việc cụ thể, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và thời gian, sản phẩm hoàn thành theo Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Kế hoạch này.
            III. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Kế hoạch kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2019 theo quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
          IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
          1. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh chủ trì, theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; là đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ tài liệu tuyên truyền cho cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ; thực hiện báo cáo công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Điều 60, 61 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
          2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện Kế hoạch này và triển khai xây dựng Kế hoạch về kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; trên cơ sở điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp theo nội dung được phân công tại Kế hoạch này; thực hiện báo cáo công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Điều 60, 61 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong tỉnh hưởng ứng, phối hợp thực hiện và giám sát các hoạt động cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Kế hoạch này.  
          4. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương, tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn tỉnh: Dành thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài hợp lý để tuyên truyền, đưa tin về hoạt động cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đưa tin, bài, giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm, gương cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
          Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./. 

Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại